##plugins.themes.huaf_theme.article.main##
Tóm tắt
Một thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ ương lên sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá bè vẫu. Cá hương (trung bình 2,4 cm và 0,44g/con) được bố trí ngẫu nhiên vào trong 16 bể composite (300 L/bể) với 4 mật độ ương gồm 0,5; 1; 1,5 và 2,0 con/L. Cá được cho ăn thức ăn tổng hợp NRD5/8 và NRD G8 (INVE, Thailand) 4 lần/ngày theo nhu cầu trong 30 ngày. Kết quả cho thấy khối lượng cuối và tốc độ tăng trưởng đặc trưng giảm có ý nghĩa khi tăng mật độ ương lên trên 1,0 con/L. Cá bè vẫu đạt sinh trưởng tốt nhất khi ương ở mật độ 0,5 đến 1,0 con/L. Tăng mật độ ương từ 0,5 lên 2 con/L không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá. Hệ số chuyển hóa thức ăn giảm dần khi tăng mật độ ương, thấp nhất ở nghiệm thức ương với mật độ 2 con/L. Cá bè vẫu ương ở mật độ 0,5 và 1,0 con/L thể hiện khả năng chịu sốc với sự thay đổi của nhiệt độ tốt hơn so với cá ương ở các mật độ cao. Tuy nhiên không có sự khác biệt về khả năng chịu sốc độ mặn của cá ương ở các mật độ khác nhau. Như vậy, mật độ phù hợp trong ương cá bè vẫu giai đoạn cá hương lên cá giống là 1,0 con/L để tối ưu tốc độ sinh trưởng và khả năng chịu sốc của cá.
Từ khóa: Caranx ignobilis, mật độ, cá bè vẫu, sinh trưởng.