##plugins.themes.huaf_theme.article.main##
Tóm tắt
Nghiên cứu sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý môi trường nước ao nuôi tôm chân trắng thâm canh trong ao nuôi lót bạt bằng nước biển ven bờ được thực hiện tại khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao của công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (thôn 4 xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu). Hai thực nghiệm được tiến hành với chế độ sử dụng chế phẩm sinh học khác nhau: Dùng hàng ngày, với liều 0,5 -1,0 g/m3 nước (tương đương khoảng 2-4 kg/ao 4.800m3 nước); Dùng định kỳ: Tháng nuôi thứ nhất, 7 ngày/lần, liều lượng 2,0 g/m3 nước; tháng nuôi thứ 2, 5 ngày/lần, liều lượng 3,0 g/m3 nước; tháng nuôi thứ 3, 3 ngày/lần, liều lượng 5,0 g/m3 nước. Chế phẩm sinh học có chứa các dòng vi sinh vật chính đó là: Vi khuẩn Nitrosomonas sp., Nitrobacter sp. Và nấm Saccharomyces sp. Phân tích mẫu tôm và nước ao nuôi cho thấy, ở ao sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, mật số Vibrio ở mẫu tôm (từ 9,0 × 101 đến 3,9 × 102CFU/g) và ở mẫu nước (từ 5,0 × 101 đến 8,2 × 102CFU/ml) là thấp hơn; các thông số môi trường như độ trong, pH, DO, NH3 và NO2- đều ổn định và nằm trong khoảng ngưỡng cho phép so với ao dùng chế phẩm vi sinh hàng ngày. Kết quả sau 75-80 ngày nuôi, sản lượng tôm thẻ chân trắng thu hoạch ở ao dùng chế phẩm sinh học định kỳ cao gấp 1,3 lần so với ao dùng chế phẩm sinh học hàng ngày; hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) và cỡ tôm thu hoạch cũng lớn hơn tương ứng (FCR = 1,29 so với FCR = 1,41; cỡ tôm thu hoạch đạt 64,3 con/kg so với 81,5 con/kg). Số lượng chế phẩm sinh học sử dụng ở ao dùng định kỳ chỉ bằng 65,6% lượng chế phẩm sử dụng so với ao dùng hàng ngày. Điều đó cho thấy việc sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ hiệu quả hơn so với dùng hàng ngày.
Từ khóa: Tôm thẻ chân trắng, nước biển ven bờ, chế phẩm sinh học