##plugins.themes.huaf_theme.article.main##
Tóm tắt
Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của tần suất cho ăn lên các chỉ tiêu sinh trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá sủ đất (Protonibea diacanthus) giai đoạn giống, nhằm tối ưu hóa quy trình ương và nâng cao hiệu quả sản xuất. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu ngẫu nhiên hoàn toàn với 4 nghiệm thức tương ứng với 4 tần suất cho ăn (2, 3, 4 và 5 lần/ngày), mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Cá giống có khối lượng và chiều dài ban đầu lần lượt là 0,67 ± 0,07 g và 3,34 ± 0,03 cm, được ương trong hệ thống bể composite 100 L với mật độ 1 con/L trong 28 ngày. Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm tốc độ tăng trưởng theo chiều dài và khối lượng đặc trưng (SGRL và SGRW), sinh khối (BM), tỷ lệ sống (SR) và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR). Kết quả cho thấy tần suất cho ăn có ảnh hưởng rõ rệt đến tất cả các chỉ tiêu nghiên cứu (P < 0,05). Cá được cho ăn 4 - 5 lần/ngày thể hiện các chỉ tiêu tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn vượt trội so với 2 lần/ngày. Cụ thể, so với nghiệm thức 2 lần/ngày, cá ở nghiệm thức 4 - 5 lần/ngày có SGRL,W, BM và SR cao hơn lần lượt 12,4 - 26,1%, 71,8 - 94,7%, 20,8 - 22,6%, đồng thời có FCR thấp hơn 23,5 - 29,4%. Trong hầu hết các trường hợp, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các chỉ tiêu giữa hai nghiệm thức cho ăn 4 và 5 lần/ngày. Từ kết quả thu được, nghiên cứu đề xuất áp dụng tần suất cho ăn 4 lần/ngày trong ương nuôi cá sủ đất giai đoạn giống, qua đó vừa đảm bảo tối ưu hóa các chỉ tiêu tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn, vừa tiết kiệm chi phí nhân công so với cho ăn 5 lần/ngày. Kết quả nghiên cứu là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thiện quy trình sản xuất giống và ương cá sủ đất, góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi loài cá biển này một cách hiệu quả và bền vững.
Từ khóa: Cá sủ đất, tần suất cho ăn, tăng trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn.