##plugins.themes.huaf_theme.article.main##
Tóm tắt
Nghiên cứu ảnh hưởng của độ mặn lên sinh trưởng, tỷ lệ sống và thời gian biến thái của ấu trùng hàu hương (Spondylus gloriosus) nhằm bước đầu xác định khoảng độ mặn thích hợp trong ương nuôi ấu trùng hàu hương từ giai đoạn ấu trùng chữ D đến giai đoạn ấu trùng bám. Nghiên cứu thực hiện với 3 nghiệm thức (NT) độ mặn khác nhau (29‰, 32‰, 35‰), các nghiệm thức được lặp lại 3 lần và bố trí ngẫu nhiên trong các thùng xốp có kích thước 85*50*50cm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy giai đoạn ấu trùng chữ D đến ấu trùng đỉnh vỏ ở các nghiệm thức thí nghiệm có chiều dài từ 167,70 – 170,52μm, tốc độc tăng trưởng tuyệt đối dao động từ 1,55 – 2,34μm/ngày. Tuy nhiên không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức (P>0,05). Tỷ lệ sống của ấu trùng hàu hương giai đoạn này từ 68,5 -72,6%, không có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức (P>0,05).
Chiều dài của ấu trùng hàu hương giai đoạn từ ấu trùng đỉnh vỏ đến giai đoạn ấu trùng bám ở các nghiệm thức thí nghiệm dao động từ 182,5 – 189μm, tuy nhiên sự sai khác này không có ý nghĩa thống kê (P>0,05), tốc độ tăng trưởng tuyệt đối đạt 1,14 – 1,97μm/ngày. Tỷ lệ sống của hàu hương ở giai đoạn này có sự khác nhau giữa các nghiệm thức. Nghiệm thức độ mặn 32‰ có tỷ lệ sống cao nhất đạt 30,67%, tiếp đến là độ mặn 29‰ đạt 28,67%, nghiệm thức độ mặn 35‰ có tỷ lệ sống thấp nhất đạt 16,67% và có sự sai khác có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức 29 và 32‰ (P<0,05).
Thời gian biến thái của ấu trùng qua các giai đoạn ở các nghiệm thức độ mặn 29 - 35‰ dao động 376 – 416 giờ (15,67 – 17,33 ngày) và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức (P>0,05).
Từ khóa: Hàu hương, Spondylus gloriosus, độ mặn, sinh trưởng, tỷ lệ sống, thời gian biến thái