##plugins.themes.huaf_theme.article.main##
Tóm tắt
Nhằm đánh giá vai trò của các hình thức kinh tế tập thể (KTTT) đối với hiệu quả tài chính, 90 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại tỉnh Sóc Trăng đã được phỏng vấn. Phương pháp thống kê mô tả, so sánh thống kê và hồi qui đa biến được sử dụng. Kết quả cho thấy qui mô sản xuất, mật độ nuôi và năng suất của hộ KTTT (50,1 con/m2 và 4,48 tấn/ha/vụ) cao hơn so với các hộ nuôi riêng lẻ (44,5 con/m2 và 3,84 tấn/ha/vụ). Không có sự khác biệt trong các chỉ tiêu về chi phí nhưng lợi nhuận khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai hình thức (241,81 triệu đồng/ha/vụ đối với hộ thuộc KTTT so với 172,61 triệu đồng/ha/vụ của hộ nuôi riêng lẻ). Các tổ chức KTTT có vai trò tập hợp, liên kết sản xuất, nâng cao trình độ nông dân thông qua các lớp tập huấn, thực hiện cho vay vốn xoay vòng ưu đãi cho thành viên và nâng cao chất lượng tôm thông qua việc hỗ trợ hướng dẫn người dân nuôi theo các tiêu chuẩn chứng nhận như ASC và VietGAP, từ đó nâng cao thu nhập cho nông hộ. Kết quả hồi qui đa biến cũng chỉ ra rằng hình thức KTTT tác động có ý nghĩa thống kê (P=5%) đối với lợi nhuận nuôi tôm. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra được những luận chứng khoa học về vai trò của các tổ chức KTTT. Do đó, nông dân cần được tuyên truyền và vận động tham gia vào các tổ chức KTTT.
Từ khóa: Hợp tác xã, kinh tế tập thể, thâm canh, tổ hợp tác, tôm thẻ chân trắng.