##plugins.themes.huaf_theme.article.main##
Tóm tắt
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tỷ lệ xuất hiện và đặc điểm của các dạng dị hình ở bốn loài cá biển giai đoạn con giống, bao gồm cá chim vây ngắn (Trachinotus falcatus), cá chim vây dài (Trachinotus blochii), cá chẽm (Lates calcarifer) và cá khế vằn (Gnathanodon speciosus), đang được sản xuất giống nhân tạo tại Khánh Hòa, Việt Nam. Các mẫu cá giống có kích cỡ từ 3 đến 5 cm được thu thập từ các trại sản xuất giống ở Cam Ranh và Nha Trang. Với mỗi loài, mẫu được thu từ 10 đàn cá khác nhau trong năm. Đối với mỗi đàn, ba bể nuôi được lựa chọn ngẫu nhiên để lấy mẫu, với 300 cá thể/bể. Các dạng dị hình và tỷ lệ xuất hiện của chúng được ghi nhận và so sánh giữa các loài. Kết quả cho thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ dị hình chung và từng dạng dị hình giữa các loài nghiên cứu. Cá chim vây ngắn có tỷ lệ dị hình chung cao nhất (10,73%), tiếp theo là cá chẽm (7,28%), trong khi cá chim vây dài và cá khế vằn có tỷ lệ thấp hơn, lần lượt là 3,64% và 2,85%. Trong cùng một loài, dị hình nắp mang xuất hiện với tần suất cao hơn so với các dạng dị hình khác. Các dấu hiệu đặc trưng của từng dạng dị hình, bao gồm đặc điểm hình thái ngoài và hình ảnh nhuộm xương, đã được mô tả chi tiết. Nghiên cứu này cung cấp thông tin quan trọng về tỷ lệ dị hình ở một số loài cá biển tại các trại sản xuất giống cá biển ở Khánh Hòa. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học để các nhà sản xuất và cơ quan quản lý ngành thủy sản đưa ra các biện pháp nâng cao chất lượng con giống cá biển sản xuất tại địa phương.
Từ khóa: Cá biển, dị hình, con giống nhân tạo, Khánh Hòa, tỷ lệ dị hình