##plugins.themes.huaf_theme.article.main##
Tóm tắt
Cá song da báo (Plectropomus leopardus) là loài cá biển có giá trị cao, các nghiên cứu về sản xuất giống đã thành công ở một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nhưng tỷ lệ sống vẫn còn thấp. Một trong những nguyên nhân chưa được xác định là sự phù hợp của khẩu phần và tần suất cho ăn của cá giai đoạn giống. Do đó, nghiên cứu này tập trung giải quyết 2 vấn đề trên. Cá song da báo giống sử dụng trong nghiên cứu có kích cỡ đồng đều, chiều dài trung bình 20,91 mm. Thí nghiệm khẩu phần ăn được thiết kế ở 4 mức 5 %, 8 %, 10 % và 13 % khối lượng thân; và thí nghiệm tần suất cho cá ăn là 1, 2 và 3 lần/ngày. Kết quả cho thấy khẩu phần ăn 5% khối lượng cơ thể cá (BW) giúp cá song da baó tăng trưởng nhanh nhất (p<0,05) về chiều dài (41,10 ± 0,97 cm/con), khối lượng (3,43 ± 0,08 g/con) và tỷ lệ sống (76,7%). Việc gia tăng khẩu phần ăn từ 5% BW lên 10% BW có thể góp phần giảm hệ số phân đàn của cá (p<0,05), nhưng không ảnh hưởng đến tỷ lệ dị hình của cá (p>0,05). Kết quả về ảnh hưởng của tần suất cho ăn của cá cho thấy tăng trưởng tốt nhất của chúng được ghi nhận với chế độ cho ăn 3 lần/ngày. Với chế độ cho ăn này, tại cuối vụ ương cá đạt giá trị tối ưu (p<0,05) về chiều dài (47,20 ± 1,36 cm/con), khối lượng (3,54 ± 0,29 g/con), tỷ lệ sống (73,3%). Xu hướng này cũng được ghi nhận với các chỉ tiêu hệ số phân đàn, tỷ lệ dị hình và hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), tuy nhiên kết quả thống kê cho thấy sự khác biệt không có ý nghĩa khi so sánh với cá được ương với tần suất cho ăn 2 lần/ngày (p>0,05). Như vậy, chế độ cho ăn với khẩu phần ăn 5% BW ở tần suất 3 lần/ngày được xác định là phù hợp nhất cho tối ưu khả năng tăng trưởng và hiệu quả sản suất cá song da báo trong giai đoạn ương từ cá hương lên cá giống.
Từ khoá: Cá song da báo (Plectropomus leopardus), khẩu phần ăn, tần suất cho ăn, FCR, hệ số phân đàn, tỷ lệ dị hình.