##plugins.themes.huaf_theme.article.main##
Tóm tắt
Thực vật nổi đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái cửa sông, nơi diễn ra động thái dinh dưỡng phức tạp. Bài viết này đánh giá năng suất sinh học và tốc độ phát triển của thực vật nổi (phytoplankton) tại vùng cửa sông Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm làm rõ tính đặc thù của hệ sinh thái cửa sông phục vụ quản lý môi trường nước. Nghiên cứu được thực hiện dựa vào kết quả hai chuyến khảo sát và thực nghiệm tại 4 trạm vào tháng 6/2022 (mùa mưa) và tháng 12/2022 (mùa khô). Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất sinh học (GPP) của thực vật nổi dao động từ 387,0-2040,0 mgC m-3 ngày-1 vào tháng 6/2022 và 355,5-1254,0 mgC m-3 ngày-1 vào tháng 12/2022. Tỷ lệ GPP/CR biến động từ 2,15 đến 16,06, phản ánh tính tự dưỡng của vùng nước. Tốc độ phát triển của thực vật nổi trung bình đạt 0,975 ± 0,743 ngày-1 vào mùa mưa và 1,459 ± 0,494 ngày-1 vào tháng 12/2022. Tốc độ phát triển này có mối quan hệ nghịch với hàm lượng chlorophyll-a, và cao hơn vào tháng 12/2022. Tốc độ này giảm dần theo độ sâu có thể do hạn chế ánh sáng ở các độ sâu lớn hơn. Các kết quả cho thấy vùng cửa sông ở Bà Rịa – Vũng Tàu là môi trường giàu dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thực vật nổi. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra hiện tượng tảo nở hoa dưới điều kiện ánh sáng thuận lợi. Hiểu rõ các quá trình động thái học này góp phần quản lý và giám sát hiệu quả môi trường thủy sinh, đồng thời dự báo các hệ quả sinh thái tiềm ẩn của việc tăng cường dinh dưỡng trong khu vực.
Từ khoá: Thực vật nổi, tốc độ phát triển, cửa sông, Bà Rịa – Vũng Tàu.