##plugins.themes.huaf_theme.article.main##
Tóm tắt
Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ tảo cộng sinh Symbiodinium microadriaticum và độ mặn đến ấu trùng trai tai tượng vảy Tridacna squamosa trong điều kiện nhân tạo. Hai thí nghiệm được thực hiện, bao gồm: 1) Ảnh hưởng của mật độ tảo cộng sinh lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng trai tai tượng vảy (TN1); và 2) Ảnh hưởng của độ mặn lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng trai tai tượng vảy (TN2). Mật độ nuôi ấu trùng trai ban đầu là 5 con/mL trong hệ thống bể composite (100 L/bể). Điều kiện môi trường bể nuôi: nhiệt độ 27,23 ± 2,34 ºC; pH 8,1–8,2; hàm lượng oxy hòa tan 5,3 ± 0,53 mg/L. Ở TN1, ấu trùng trai tai tượng vảy 3 ngày tuổi được ương nuôi bằng tảo cộng sinh với các mật độ khác nhau , bao gồm: 1.000, 3.000, 5.000 và 7.000 tb/mL. Tảo cộng sinh được cấp cho ấu trùng trai từ ngày tuổi thứ 4 đến giai đoạn ấu trùng chân bò (8 ngày tuổi). Kết quả cho thấy nghiệm thức mật độ tảo cộng sinh 5.000 tb/ml ấu trùng đạt chiều dài, SGR, tỷ lệ sống cao nhất (tương ứng 213,67 ± 1,2µm; 6,20 ± 0,21; 56,50 ±0,45%). Trong TN2, ấu trùng trai tai tượng vảy, giai đoạn chữ D 1 ngày tuổi được nuôi ở 4 nghiệm thức độ mặn cho đến giai đoạn ấu trùng chân bò (8 ngày tuổi), bao gồm: 24 ppt; 27 ppt; 30 ppt; và 33 ppt. Kết quả cho thấy, nghiệm thức độ mặn 30 ppt và 33 ppt ấu trùng cho kết quả tốt nhất về tăng trưởng và tỷ lệ sống. Trong đó, ở độ mặn 30 ppt, ấu trùng đạt chiều dài, DGR, SGR và tỷ lệ sống lần lượt là 224,50 ± 1,87µm; 12,07 ± 0,26 µm/ngày; 6,72 ± 0,12 và 33,17 ± 1,47%. Trong khi đó, độ mặn 24 ppt ấu trùng trai cho kết quả thấp nhất (P<0,05) về tăng trưởng chiều dài (206,50 ± 3,27µm), DGR (9,50 ± 0,47 µm/ngày), SGR (5,60 ± 0,23) và tỷ lệ sống 21,33 ± 1,63%).
Từ khóa: Trai tai tượng vảy, Tridacna squamosa, tảo cộng sinh, độ mặn, tăng trưởng, tỷ lệ sống.